Viêm gân xương bánh chè là chấn thương phổ biến ở người chơi thể thao, người bệnh xương khớp mạn tính. Nếu không có biện pháp xử lý sớm có thể dẫn tới tình trạng đứt gân xương bánh chè do viêm, yếu cơ chân và rách gân. Lâu dần, người bệnh có thể bị đau khớp gối mạn tính. Do đó, nếu xuất hiện triệu chứng bệnh, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt, tránh chấn thương trở nặng.

Viêm gân xương bánh chè là gì?
Viêm gân xương bánh chè (viêm gân đầu gối) là tình trạng xảy ra khi khớp gối hoạt động liên tục kéo dài hoặc không được khởi động kỹ trước khi vào bài tập chính. Gân xương bánh chè sẽ bị sưng tấy và đau do viêm. Đây là chấn thương phổ biến ở người chơi thể thao, người vận động nhiều (1).
Xương bánh chè là đoạn xương nhỏ ở trước khớp gối, có thể chuyển động lên, xuống, nghiêng và xoay. Vai trò của xương là giúp chân di chuyển, đứng thẳng bằng cách giảm áp lực lên khớp gối. Xét về cấu tạo, xương bánh chè liên kết xương và các mô ở khớp gối bằng gân bánh chè. Do được tạo thành từ các sợi cơ bền, dai nên gân bánh chè rất chắc khỏe, giúp cơ đùi và bắp chân duỗi thẳng khi vận động.
Triệu chứng viêm gân xương bánh chè thường gặp
Khi bị viêm gân xương bánh chè, triệu chứng điển hình là đau nhức. Cơn đau xuất hiện ở phía trước gối, cụ thể (2):
- Cơn đau do viêm gân bánh chè là đau liên tục, cảm giác đau tăng dần, âm ỉ, hiếm trường hợp đau dữ dội.
- Cơn đau tăng mạnh rồi giảm dần và tăng lên lại, trở nặng khi vận động, gấp duỗi chân như leo cầu thang, ngồi xổm…
- Khớp gối bị căng cứng, khó mở rộng.
- Viêm gân bánh chè có 2 hướng tiến triển gồm tự khỏi hoặc trở thành mạn tính.
Nguyên nhân bị viêm gân xương bánh chè
Viêm điểm bám gân gối thường do tình trạng quá tải ở khớp gối. Đối tượng có nguy cơ cao mắc chấn thương này là người chơi thể thao, người vận động nhiều. Căng thẳng lặp đi lặp lại ở khớp gối sẽ tạo ra các vết rách nhỏ ở gân, lâu dần khiến gân viêm và suy yếu. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm gân bánh chè như:
- Tuổi tác: Chấn thương này thường xuất hiện ở người trong độ tuổi trung niên.
- Bệnh lý: Người mắc các bệnh lý xương khớp mạn tính như gout, viêm khớp dạng thấp, gout… có nguy cơ bị viêm gân bánh chè rất cao.
- Đặc điểm giải phẫu bất thường như xương bánh chè nâng lên cao hoặc chân bị lệch trục.
- Người thừa cân, béo phì.
Viêm gân bánh chè có nguy hiểm không?
Nếu trì hoãn điều trị, viêm gân bánh chè có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Đứt gân xương bánh chè do viêm: Người bệnh có khả năng bị đứt gân bánh chè hoặc đứt gân cơ tứ đầu đùi. Cơn đau gối gia tăng đột ngột sau các động tác nhảy bậc lên, mất hoàn toàn chức năng vận động của cơ.
- Suy yếu cơ chân: Cơn đau ở gối, cơ tứ đầu đùi có thể làm suy yếu cơ chân.
- Đau đầu gối mạn tính.
Khi nào cần đi khám?
Khi bị chấn thương, bạn nên áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như chườm lạnh, nghỉ ngơi, kê cao chân… Tuy nhiên, nếu sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc, bạn vẫn gặp phải các triệu chứng dưới đây, cần đi thăm khám ngay:
- Đau âm ỉ xung quanh đầu gối ngay cả khi đã nghỉ ngơi.
- Cơn đau không thuyên giảm hoặc càng trở nặng ngay khi đã áp dụng đúng cách các biện pháp chăm sóc tại nhà.
- Cơn đau ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động hằng ngày.
- Xuất hiện triệu chứng sưng và đỏ khớp gối.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm gân xương bánh chè, bác sĩ thường chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp như:
- Thăm khám lâm sàng thông qua việc xác định vị trí tổn thương.
- Chụp X-quang: Phương pháp chẩn đoán này giúp loại trừ các vấn về xương có thể gây đau khớp gối.
- Chụp MRI, siêu âm: Phương pháp chẩn đoán giúp kiểm tra tình trạng gân và phát hiện tổn thương ở mô mềm.
Điều trị viêm gân bánh chè
1. Sử dụng thuốc
Người bệnh thường được chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau như ibuprofen, naproxen. Nếu sau khi dùng thuốc, cơn đau vẫn không cải thiện, bạn nên báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời (3).
2. Vật lý trị liệu
- Bài tập giãn cơ: Thực hiện những bài tập giãn cơ thường xuyên để cải thiện tình trạng co thắt cơ. Lưu ý tránh thực hiện những động tác quá nhanh hoặc đột ngột.
- Bài tập nâng cao sức cơ: Cơ đùi yếu sẽ gây áp lực lớn lên gân xương bánh chè. Do đó, người bệnh nên thường xuyên thực hiện những bài tập tăng cường sức mạnh cho các cơ vùng chân, rất hữu ích trong quá trình điều trị viêm xương gân bánh chè.
- Băng đeo bảo vệ gân xương bánh chè (patellar tendon strap): Phụ kiện tập này giúp phân tán lực ra khỏi gân, truyền lực vào dây đeo, nhờ đó giúp giảm đau vùng gối khi vận động.
3. Phẫu thuật và những phương pháp xâm lấn
Nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện những phương pháp như:
- Tiêm corticosteroid thông qua siêu âm định hướng đi vào vỏ bọc quanh gân, giúp cải thiện triệu chứng đau nhức. Tuy nhiên, thuốc có thể khiến gân suy yếu, dễ đứt hơn.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Phương pháp này giúp hình thành các mô mới, hỗ trợ rất tốt cho quá trình phục hồi của gân.
- Phẫu thuật: Hiếm trường hợp viêm gân bánh chè cần đến phẫu thuật, thường là lựa chọn điều trị cuối cùng. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ vùng gân tổn thương.
Chăm sóc và phục hồi
Viêm gân xương bánh chè là chấn thương rất dễ gặp phải. Tuy nhiên, một số biện pháp dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc chấn thương này, cụ thể:
- Khi đau gối nên dừng ngay các hoạt động thể chất.
- Khi tập thể dục thể thao, nếu bị đau gối cần nghỉ ngơi, chườm đá để giảm đau.
- Thực hiện thường xuyên các bài tập tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu đùi, cơ vùng cẳng chân.
- Mang giày dép phù hợp với việc phân bố trọng lượng cơ thể.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ.
Triển vọng phục hồi
Triển vọng phục hồi của các trường hợp viêm gân bánh chè sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Đối với một số vận động viên, đây có thể tổn thương mạn tính.
Thời gian phục hồi cho chấn thương ở mức độ nhẹ là khoảng 3 tuần. Các chấn thương nghiêm trọng có thể cần đến 6 – 8 tháng để hồi phục hoàn toàn. Để rút ngắn quá trình phục hồi, bạn cần lưu ý:
- Đảm bảo theo sát chương trình phục hồi.
- Khi quay trở lại luyện tập nên bắt đầu với cường độ thấp rồi tăng dần.
- Nên chú ý đến cơn đau, nghỉ ngơi khi cần thiết.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn theo hướng dẫn từ bác sĩ kết hợp chườm đá để cải thiện triệu chứng đau nhức.
- Trao đổi với bác sĩ về nguyện vọng phục hồi của bạn để có hướng điều trị phù hợp.
Bài tập cải thiện tình trạng viêm gân bánh chè
Vận động phù hợp sẽ giúp cải thiện tình trạng viêm gân bánh chè hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc tập luyện. Bởi nếu tập sai hoặc tập quá sớm có thể khiến tổn thương trầm trọng thêm. Người bệnh nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và đơn giản trước, sau đó tăng dần cường độ. Những bài tập hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi viêm gân bánh chè như:
1. Bài tập cơ gân kheo

- Bắt đầu với tư thế ngồi trên sàn với một chân duỗi thẳng, chân còn lại co lại như hình.
- Nhẹ nhàng gập người về phía trước.
- Giữ nguyên tư thế này khoảng 30 giây rồi đổi bên, thực hiện tương với bên còn lại.
2. Bài tập cơ đùi trước

- Bắt đầu với tư thế đứng thẳng, đặt một tay lên tường hoặc lấy ghế làm điểm tựa.
- Nắm lấy mắt cá chân và nhẹ nhàng kéo về phía mông. Giữ nguyên tư thế khoảng 30 giây.
- Từ từ thả chân ra và thực hiện tương tự với chân còn lại.
3. Bài tập squats

- Bắt đầu với tư thế hai chân đứng rộng hơn vai. Phần mũi chân hướng ra hai bên một chút.
- Từ từ lấy hơi rồi hạ trọng tâm về phía mông. Lưu ý lưng luôn giữ thẳng tới khi mông, đùi song song với sàn.
- Nâng người lên trở lại tư thế bắt đầu, thở mạnh khi đứng lên. Khi tập, đầu gối luôn hướng theo mũi chân, lưng thẳng và gồng cơ bụng.
4. Bài tập nâng chân

- Bắt đầu với tư thế nằm ngửa và hai chân duỗi thẳng giơ lên cao.
- Từ từ hạ một chân xuống (giữ thẳng gối), sau đó nâng chân lên trở lại tư thế ban đầu. Thực hiện tương tự với bên còn lại, lặp lại 5 lần mỗi bên.
Biện pháp phòng ngừa viêm gân Patella
Chấn thương gân xương bánh chè là chấn thương dễ xảy ra ở người chơi thể thao hoặc vận động nhiều. Tuy nhiên, bạn vẫn có một số biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ mắc phải chấn thương này, cụ thể (3):
- Tạm dừng các hoạt động gây đau: Khi xuất hiện những cơn đau gối do vận động, bạn nên nghỉ ngơi và chườm lạnh vị trí tổn thương, đồng thời tránh các hoạt động gây áp lực lên khớp gối cho đến khi cơn đau biến mất hoàn toàn.
- Tăng cường sức mạnh cơ đùi: Cơ đùi khỏe mạnh giúp giảm căng thẳng lên gân xương bánh chè. Các bài tập giãn cơ động trước khi vào bài tập chính sẽ tăng tính đàn hồi cho cơ và gân, giảm nguy cơ chấn thương.
- Đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật: Đây là điều mà bất kỳ người tập thể dục thể thao nào cũng cần lưu ý. Điều này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ chấn thương rất cao. Khi chơi một môn thể thao nào mới, bạn nên tập luyện theo hướng dẫn của huấn luyện viên hoặc tham khảo ý kiến của người chơi chuyên nghiệp.
Viêm gân bánh chè không phải là chấn thương nghiêm trọng. Để cải thiện cơn đau, bạn chỉ cần áp dụng đúng cách các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu sau khi áp dụng mà cơn đau vẫn không thuyên giảm hoặc càng trở nặng, người bệnh nên nhanh chóng đi khám để có biện pháp xử lý sớm, ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.
Xem thêm kiến thức tập luyện chạy bộ