Hội chứng dải chậu chày là chấn thương xảy ra do vận động, tập luyện quá sức. Đây là chấn thương thường gặp ở người chạy bộ. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm ở khớp gối.

Hội chứng dải chậu chày là gì?
Dải chậu chày là dải xơ dày từ mào chậu đến mặt trước đầu trên xương chày. Vì được tạo thành từ phần chuyển tiếp của gân cơ mông to và cơ căng mạc đùi, dải chậu chày mỏng tựa lưỡi dao chạy dọc mặt ngoài đùi tới bám vào phần ngoài gối, nối khung chậu với đầu gối, có vai trò gập, xoay khớp háng và duỗi khớp gối.
Hội chứng dải chậu chày ITBS (Iliotibial Band Syndrome) là chấn thương phổ biến ở người chạy bộ với triệu chứng đau đầu gối bên. Tỷ lệ mắc chấn thương này ước tính 5% – 14%. Trong các nguyên nhân gây chấn thương chân, ITBS chiếm khoảng 22%. (1)
Triệu chứng của hội chứng dải chậu chày
- Đau phía ngoài đầu dưới xương đùi, ngay trên mỏm lồi cầu ngoài xương đùi.
- Cơn đau tăng dần theo thời gian, tăng khi chạy và xuống dốc.
- Một số trường hợp có thể viêm cả bao hoạt dịch chậu chày với triệu chứng sưng đỏ, tích tụ dịch xung quanh bao hoạt dịch.
Nguyên nhân gây hội chứng dải chậu chày
Nếu người chạy tập luyện quá sức, nhất là khi tăng cường độ tập đột ngột sẽ gây căng và viêm ở dải chậu chày. Một số nguyên nhân phổ biến gây hội chứng dải chậu chày gồm (2):
- Chấn thương xuất hiện ở người chạy đường dài, trên nền gồ ghề, xuống dốc hoặc giày bị mòn đế.
- Một số trường hợp là do tình trạng căng hay bị nén ép quá lâu lặp đi lặp lại.
- Yếu cơ mông nhỡ, căng cơ mạc đùi, bàn chân bẹt, tật gối cong lõm trong.
Chẩn đoán và xử lý hội chứng dải chậu chày
Đa phần trường hợp mắc hội chứng dải chậu chày đều không nguy hiểm. Tình trạng này thường thuyên giảm sau nghỉ ngơi và áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà đúng cách. Dù vậy, nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng hay kéo dài hơn vài tuần, người bệnh nên nhanh chóng đi khám để được điều trị kịp thời . Ngoài ra, khi có các dấu hiệu dưới đây, bạn cần đến các cơ sở y tế để có biện pháp xử lý sớm, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, cụ thể (3):
- Đau khi đi bộ.
- Ngay cả khi nghỉ ngơi, cơn đau vẫn không thuyên giảm.
- Có triệu chứng sưng tấy, nổi mẩn đỏ, nóng da và thay đổi màu da vùng đầu gối.
- Có kèm theo những chấn thương tại vùng hông hoặc xung quanh khớp gối.
Khi chẩn đoán chấn thương này, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, các triệu chứng và kiểm tra thể chất. Người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện một số bài tập nhằm kiểm tra sức mạnh và sự ổn định khớp gối. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá được sự liên kết của xương chậu cùng độ chặt của dải chậu chày. Một số trường hợp sẽ cần tới chụp MRI, X-quang và siêu âm.
Cách điều trị hội chứng dải chậu chày
Hội chứng dải chậu chày thường được chỉ định điều trị bảo tồn. Nếu đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ, các triệu chứng sẽ cải thiện trong khoảng 6 tuần. Người chạy nên lưu ý những nguyên tắc điều trị gồm (4):
- Tránh các hoạt động gây đau.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, cẩn trọng khi dùng thuốc để tránh tác dụng phụ.
- Vật lý trị liệu theo hướng dẫn từ bác sĩ.
- Cân nhắc phẫu thuật cho các trường hợp cần thiết.
1. Chăm sóc chấn thương cơ bản – RICE
Các bước chăm sóc chấn thương cơ bản RICE nếu được áp dụng ngay có thể nhanh chóng cải thiện các cơn đau do hội chứng dải chậu chày. Những bước chăm sóc chấn thương gồm:
- Nghỉ ngơi (Rest): Sau chấn thương, người chạy cần hạn chế vận động. Bạn nên tạm ngừng các hoạt động thể chất, giảm tối đa thời gian di chuyển, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn và phục hồi. Nếu buộc phải đi lại, người bệnh nên dùng nạng hoặc gậy để giảm bớt trọng lượng cơ thể dồn lên chân.
- Chườm đá (Ice): Trong khoảng 48 – 72 giờ sau chấn thương, bạn nên chườm đá càng sớm càng tốt. Biện pháp này sẽ giúp giảm sưng và đau. Mỗi lần chườm lạnh kéo dài 15 – 20 phút. Thời gian nghỉ giữa các lần khoảng 120 – 180 phút. Bạn có thể dùng nước đá hoặc đá chưa tan đập nhỏ rồi đặt vào chiếc khăn bông ẩm hay túi chườm, tránh để vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh. Thoa nhẹ theo đường tròn đồng tâm khoảng 5 – 10 phút ở khu vực tổn thương. Mỗi lần chườm lạnh không quá 20 phút.
- Băng ép (Compression): Sử dụng băng vải hay băng thun để cố định vùng chấn thương, tạo điểm vững chắc cho vùng khớp bị chấn thương. Lưu ý tránh băng quá chặt vì có thể gây cản trở lưu thông máu, làm cơn đau nghiêm trọng hơn. Sau khi quấn băng gạc, nếu cảm thấy đau hơn hay kèm theo tình trạng sưng, tê ở khu vực được quấn, bạn nên nới lỏng ra. Băng ép nên được thực hiện giữa những đợt chườm lạnh.
- Kê cao chân (Elevation): Nâng khu vực tổn thương cao hơn tim, nhất là vào ban đêm. Bạn nên kê cao chân ở tư thế nằm.

2. Sử dụng thuốc điều trị
Để cải thiện tình trạng đau và viêm, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng những loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) đường uống hay những loại thuốc thoa tại chỗ. Những loại thuốc phổ biến gồm ibuprofen và naproxen.
Với các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm steroid để giúp cải thiện triệu chứng. Phương pháp này thường được khuyến khích thực hiện cho những trường hợp đã uống thuốc giảm đau hay thoa ngoài da nhưng không hiệu quả.
3. Vật lý trị liệu
Sau khi tình trạng viêm và đau được cải thiện, bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn một số kỹ thuật để cải thiện sức mạnh, khả năng vận động và tăng sự linh hoạt cho chân. Đồng thời, người bệnh có thể được sửa những lỗi cơ bản khi tập luyện (nếu có) và hướng dẫn những kỹ thuật giúp hạn chế chấn thương và căng cơ.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật hiếm khi được chỉ định trong điều trị hội chứng dải chậu chày. Phương pháp này chỉ được thực hiện cho các trường hợp đau kéo dài, ảnh hưởng lớn tới những hoạt động bình thường và đã áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn nhưng không hiệu quả.
5. Thời gian phục hồi
Hội chứng dải chậu chày không phải là tổn thương vĩnh viễn. Khi tích cực điều trị, sau 3 – 4 tuần, bạn có thể quay trở lại các hoạt động bình thường. Với các trường hợp không thuyên giảm sau 6 tháng, bác sĩ có thể chỉ định bạn phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng nặng.
Các bài tập tăng sức mạnh dải chậu chày cho người chạy bộ
Để tăng cường sức mạnh cho dải chậu chày khi tập luyện, người chạy có thể tham khảo những bài tập hỗ trợ điều trị và phòng ngừa hội chứng dải chậu chày dưới đây:
1. Bài tập căng nhóm cơ mông

- Bắt đầu với tư thế nằm ngửa rồi nâng cao chân trái.
- Bắt chéo chân phải qua đầu gối chân trái rồi dùng tay kéo chân về phía ngực cho đến khi cảm thấy chân được căng ra hết cỡ.
- Giữ nguyên tư thế trong khoảng 5 – 10 giây.
2. Bài tập giãn cơ căng mạc đùi

- Bắt đầu với tư thế đứng, bắt chéo chân phải lên trước, lưu ý khoảng cách 2 chân rộng bằng vai.
- Nghiêng người sang phải hết cỡ cho đến khi thấy đầu gối và hông được kéo căng. Nếu muốn kéo căng nhiều hơn có thể vươn tay trái qua đầu.
- Giữ nguyên tư thế khoảng 30 giây, thực hiện mỗi bên 3 lần.
3. Bài tập gập người bắt chéo chân

- Bắt đầu với tư thế đứng thẳng hai chân, bắt chéo chân phải qua chân trái.
- Uốn cong đầu gối nhẹ khi gập người về phía trước, cố gắng để tay chạm sàn.
- Giữ nguyên tư thế khoảng 1 phút.
- Từ từ đứng thẳng lên và trở về tư thế bắt đầu. Thực hiện 2 – 3 lần mỗi bên.
4. Bài tập chùng chân (lunge)

- Bắt đầu với tư thế đứng thẳng hai chân, đặt một chân ra phía sau.
- Từ từ hạ người và uốn cong đầu gối cho tới khi cảm thấy căng ở chân, lưu ý luôn giữ lưng thẳng.
- Giữ nguyên tư thế khoảng 5 – 10 giây.
5. Bài tập Hip Hike

- Bắt đầu với tư thế đứng, chân trái đặt lên bục hoặc bậc thang, chân phải không chạm bục. Hai tay chống hông
- Nâng chân phải bằng cách nâng hông phải, lưu ý lưng và chân trái vẫn luôn giữ thẳng.
- Thực hiện 3 hiệp, mỗi bên 10 lần.
6. Bài tập với con lăn

- Đặt con lăn xốp trên sàn tập và nằm ngửa trên con lăn như hình.
- Di chuyển cơ thể về phía trước để di chuyển con.
- Di chuyển con lăn 10 – 15 lần rồi dừng lại, thực hiện 4 hiệp.
Cách phòng ngừa hội chứng dải chậu chày
Để ngăn ngừa rủi ro này, bạn có thể tham khảo những biện pháp như:
- Tập luyện với cường độ phù hợp, tránh tập gắng sức, cần nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể có thời gian phục hồi.
- Khởi động kỹ trước khi chạy khoảng 5 – 10 phút. Bước chuẩn bị này sẽ giúp cơ bắp và nhịp tim thích nghi dần với trạng thái vận động.
- Tuân thủ quy tắc 10%: Người chạy lưu ý không nên tăng độ dài quãng đường lên hơn 10% mỗi tuần.
- Chọn địa hình chạy bằng phẳng, tránh các khu vực có nhiều dốc, gập ghềnh.
- Tránh để cơ thể mất nước khi tập luyện.
- Mang giày chạy phù hợp để hỗ trợ tốt cho chân. Thay giày mới sau khi chạy khoảng 600m hoặc khi giày đã mòn.
- Tập luyện kết hợp: Bạn có thể phối hợp chạy bộ với bơi lội và chèo thuyền để tập luyện cân bằng các nhóm cơ.
- Trao đổi với bác sĩ hoặc huấn luyện viên để được hướng dẫn các biện pháp phòng tránh chấn thương hiệu quả.
Hội chứng dải chậu chày là nỗi ám ảnh của dân chạy bộ, kể cả những đối tượng chạy lâu năm. Dù dễ xảy ra nhưng bạn vẫn có một số biện pháp ngăn ngừa chấn thương này. Trong đó, việc chạy đúng kỹ thuật kết hợp những bài tập tăng cường sức mạnh dải chậu chày là biện pháp đơn giản và hiệu quả, giúp bạn nhanh chóng xóa tan nỗi ám ảnh này.
Xem thêm kiến thức chạy bộ chuyên nghiệp