Nhuyễn sụn xương bánh chè do chạy bộ: Nguyên nhân và cách điều trị
22/06/2022
Nhuyễn sụn xương bánh chè là chấn thương do lạm dụng, tăng áp lực lên khớp gối. Người trẻ tuổi thường xuyên tập thể dục thể thao, đặc biệt là chạy bộ có nguy cơ mắc chấn thương này rất cao. Nếu không có biện pháp xử lý sớm có thể dẫn đến tình trạng đau gối mạn tính.
Nhuyễn sụn xương bánh chè là gì?
Đây là tình trạng sụn ở mặt dưới xương bánh chè bị tác động khiến lớp sụn bị mềm đi. Chấn thương hoặc sử dụng đầu gối quá mức có thể làm mất tính đàn hồi, tăng sự suy giảm và phá hỏng sụn. Sụn không còn trơn láng, làm giảm khả năng giảm xóc. Người bệnh sẽ bị đau nhức khi hoạt động đầu gối (1).
Triệu chứng nhuyễn sụn xương bánh chè
Nhuyễn sụn bánh chè thường gây đau ở vùng đầu gối. Cơn đau có thể nghiêm trọng hơn khi đứng dậy sau ngồi lâu hay khi hoạt động gây áp lực lớn lên khớp gối. Người bệnh thường bị đau âm ỉ và nhức nhối ở (2):
Sau xương bánh chè
Dưới xương bánh chè
Ở hai bên xương bánh chè
Có tiếng lạo xạo phát ra khi chuyển động đầu gối như:
Khuỵu gối
Chạy xuống dốc
Xuống cầu thang
Đứng dậy sau khi ngồi một lúc lâu.
Sau vài ngày, triệu chứng đau khớp gối vẫn không thuyên giảm. Bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có hướng xử lý sớm, ngăn ngừa các biến chứng nặng.
Nguyên nhân bị nhuyễn sụn xương bánh chè
Nhuyễn sụn xương bánh chè là chấn thương do vận động quá mức. Đôi khi, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là cơn đau đã thuyên giảm. Những nguyên nhân phổ biến gây nhuyễn sụn bánh chè gồm:
Xương bánh chè nằm phía trước khớp gối, nếu cong đầu gối, mặt sau xương bánh chè sẽ trượt trên sụn ở xương đùi. Tuy nhiên, khi thành phần trong khớp gối bị sai lệch có thể khiến xương bánh chè cọ xát với xương đùi, rất dễ dẫn đến tình trạng nhuyễn sụn bánh chè.
Chuyển động bất thường của xương bánh chè như liên kết ở khớp gối suy yếu, các cơ ở phía trước và sau đùi yếu, mất cân bằng cơ giữa cơ khép và cơ dạng, áp lực lớn lên khớp gối lặp đi lặp lại nhiều lần hay chấn thương trực tiếp ở xương bánh chè… đều có khả năng gây nhuyễn sụn xương bánh chè.
Ngoài ra, một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ gây ra chấn thương này, cụ thể:
Tuổi tác: Thanh thiếu niên có nguy cơ cao mắc phải chấn thương này. Các cơ và xương trong quá trình tăng trưởng đã nhanh chóng góp phần gây ra sự mất cân bằng cơ trong thời gian ngắn.
Giới tính: Nữ giới có khả năng mắc chấn thương sụn bánh chè cao hơn. Vì khối lượng cơ bắp ở phụ nữ thường ít hơn. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề cho các vị trí ở đầu gối, áp lực lên xương bánh chè cũng lớn hơn.
Bàn chân bẹt: Người có bàn chân bẹt thường tạo ra nhiều áp lực cho khớp gối hơn so với người bình thường.
Chấn thương: Một số chấn thương ở xương bánh chè như trật khớp gối rất dễ dẫn đến tình trạng nhuyễn sụn bánh chè.
Cường độ vận động cao: Nếu có cường độ vận động cao hoặc thường xuyên thực hiện những bài tập tạo áp lực lớn lên khớp gối, bạn có nguy cơ cao mắc phải những vấn đề ở khớp gối.
Viêm khớp: Nhuyễn sụn bánh chè có thể là dấu hiệu của viêm khớp. Tình trạng viêm có thể gây tác động xấu tới chức năng của xương bánh chè.
Nhuyễn sụn xương bánh chè có nguy hiểm không?
Nhuyễn sụn xương bánh chè là chấn thương nghiêm trọng cần được điều trị sớm. Việc trì hoãn điều trị có thể làm hỏng sụn khớp, tăng nguy cơ ma sát giữa các xương. Người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như phát triển gai xương, tăng nguy cơ tổn thương các mô xung quanh, giảm biên độ và khả năng vận động khớp gối, đau gối mạn tính và teo cơ chân do thiếu vận động.
Phương pháp chẩn đoán nhuyễn sụn xương bánh chè
Khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ kiểm tra các vị trí sưng đau ở đầu gối, nhìn vào hình dáng xương ở đầu gối để kiểm tra xương bánh chè có thẳng hàng với xương đùi không. Vị trí sai lệch có thể là dấu hiệu của tình trạng nhuyễn sụn bánh chè. Ngoài ra, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như:
Chụp X-quang: Kết quả có thể cho thấy tổn thương xương hay những dấu hiệu sai lệch vị trí hoặc viêm khớp.
Chụp MRI: Kết quả cho thấy mức độ hao mòn của sụn.
Nội soi khớp: Một số trường hợp sẽ được chỉ định nội soi khớp để kiểm tra cấu trúc khớp gối, tìm ra các tổn thương ẩn bên trong. Bác sĩ sẽ đưa camera và ống nội soi vào khớp gối thông qua một vết mổ nhỏ để kiểm tra tổn thương bên trong.
Chấn thương nhuyễn xương bánh chè được phân thành 4 cấp độ, cụ thể:
Mức độ 1: Sụn bị mềm ở khu vực đầu gối.
Mức độ 2: Sụn bị mềm đi kèm một số đặc điểm bất thường ở bề mặt. Tình trạng này cho thấy sụn đã bị ăn mòn.
Mức độ 3: Sụn bị mỏng nhiều và mô suy giảm nhiều.
Mức độ 4: Các xương đã tiếp xúc với nhau do sụn bị tổn thương nặng.
Điều trị nhuyễn sụn xương bánh chè
Việc điều trị nhuyễn sụn bánh chè thường là để khớp gối nghỉ ngơi. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số phương pháp hỗ trợ như (3):
Chườm lạnh: Chườm khoảng 4 lần/ngày, mỗi lần 15 – 20 phút. Lưu ý tránh để da tiếp xúc với đá, nên đặt đá trong một chiếc khăn mềm hoặc sử dụng túi chườm.
Sử dụng những loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).
Thuốc giảm đau thoa ngoài da.
Ngoài những phương pháp hỗ trợ điều trị, bạn có thể kiểm soát cơn đau bằng cách:
Kết hợp môn thể thao đang chơi với các bài tập tăng cường sức cơ hamstring và đùi.
Duy trì cân nặng lý tưởng.
Sử dụng giày chuyên dụng cho người có chân bàn bẹt.
Khi chơi thể thao nên dùng băng gối để giảm áp lực lên khu vực này.
Mang giày phù hợp để hỗ trợ tốt cho các hoạt động ở chân.
Phẫu thuật thường được chỉ định cho các trường hợp như:
Nếu điều trị bảo tồn thất bại, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật nội soi nhuyễn sụn bánh chè. Phương pháp này dùng camera để đưa vào khớp gối nhằm kiểm tra mức độ tổn thương sụn, lấy bỏ sụn hỏng và viêm.
Một số trường hợp sẽ cần phẫu thuật để đưa lại đúng trục khớp gối, ngăn ngừa tình trạng thoái hóa sụn khớp.
Người bệnh có thể cần phẫu thuật để ghép sụn vào chỗ khuyết hay cân bằng phần mềm ở khớp gối.
Sau phẫu thuật, ngoài việc tập biên độ khớp gối, bạn nên tập sức cơ tứ đầu đùi và hamstring để giữ xương bánh chè đúng vị trí. Nếu chơi thể thao, người bệnh tránh tập ở cường độ cao, nhất là sau 6 tuần đầu tiên sau mổ để tái tạo sụn xơ tại khớp.
Triển vọng phục hồi
Các trường hợp nhuyễn sụn xương bánh chè thường phục hồi hoàn toàn. Tùy theo thể trạng, thời gian phục hồi có thể từ 1 tháng tới 1 năm. Thanh thiếu niên là đối tượng phục hồi lâu nhất vì xương vẫn còn phát triển. Các triệu chứng sẽ dần biến mất khi trưởng thành.
Nhuyễn sụn xương bánh chè nên ăn gì?
Dinh dưỡng hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quá trình điều trị. Người bệnh nhuyễn sụn bánh chè nên bổ sung các thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn uống của mình:
Thực phẩm giàu omega-3: Axit béo omega-3 giúp hạn chế sản xuất các cytokine, enzyme gây phá vỡ sụn và giúp kháng viêm, giảm sưng khớp. Các thực phẩm giàu omega-3 gồm cá hồi, cá thu, cá trích, cá cơm, cá mòi, hàu, hạt chia, đậu nành, quả hạch…
Rau xanh: Thực phẩm này chứa hàm lượng vitamin và chất xơ dồi dào, giúp tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa cơ thể. Các thực phẩm giàu chất xơ gồm cà chua, bông cải xanh, cà rốt, nấm hương, cải xoăn, cần tây…
Trái cây: Những loại quả mọng, bưởi quýt… chứa hàm lượng vitamin C dồi dào, ngăn ngừa tình trạng mất xương. Quả dâu còn chứa nhiều vitamin K, canxi và kẽm, giúp tăng sinh tế bào xương sụn. Chuối chứa nhiều kali, magie hỗ trợ chuyển hóa vitamin D thành dạng hoạt động, giúp kích hoạt quá trình hấp thu canxi tại xương sụn, ngăn ngừa oxy hóa.
Để giảm thiểu nguy cơ bị nhuyễn xương bánh chè, bạn nên lưu ý:
Tập thể dục thường xuyên: Chọn các bài tập và bộ môn giúp tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu, cơ chân, cơ bụng và cơ gân kheo. Biện pháp này giúp tạo sự cân bằng cơ, ổn định khớp, giảm nguy cơ chấn thương nhuyễn sụn xương bánh chè.
Nghỉ ngơi hợp lý, tránh tập luyện gắng sức.
Trước khi vào bài tập chính hoặc chơi thể thao cần khởi động thật kỹ.
Hạn chế lặp đi lặp lại các hoạt động ở đầu gối hay thực hiện các bài tập làm tăng áp lực lên xương bánh chè. Nếu phải vận động đầu gối nhiều, bạn nên đeo băng gối.
Điều trị các vấn đề sức khỏe có khả năng dẫn tới tình trạng nhuyễn sụn xương bánh chè.
Người có bàn chân bẹt nên dùng miếng lót bàn chân hay mang giày chuyên dụng. Điều này sẽ giúp nâng đỡ vòm chân tốt hơn và giảm áp lực lên khớp gối.
Người thừa cân, béo phì nên có kế hoạch giảm cân với chế độ ăn uống và luyện tập thích hợp. Biện pháp này giúp ngăn ngừa trọng lượng cơ thể lớn gia tăng áp lực lên khớp gối. Bạn có thể bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 lần/tuần. Ngoài ra, cần kết hợp chế độ ăn uống khoa học như ăn nhiều rau, ngũ cốc, trái cây và giảm lượng đường và chất béo.
Lưu ý bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như đạm, omega-3, chất chống oxy hóa, các vitamin và khoáng chất. Dinh dưỡng sẽ giúp nuôi dưỡng xương bánh chè và sụn khớp, giảm nguy cơ thoái hóa và mềm sụn xương, qua đó giảm nguy cơ nhuyễn sụn xương bánh chè.
Nhuyễn sụn xương bánh chè là chấn thương thường gặp ở người vận động nặng, khớp gối phải chịu nhiều áp lực. Bệnh khiến sụn khớp bị mềm và thoái hóa, gây đau nhức thường xuyên của người bệnh. Dù vậy, chấn thương này có thể được khắc phục bằng cách nghỉ ngơi hợp lý và điều trị sớm. Ngay khi có dấu hiệu bất thường ở khớp gối, bạn nên nhanh chóng đi đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng xử lý kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nặng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.